Phim ngắn khung hình dọc có phải tương lai điện ảnh?

 

TTO - Liệu tương lai của điện ảnh có nằm ở khung hình dọc? Thế giới đã bắt đầu phổ biến và tiếp nhận nhưng dạng phim dọc vẫn xa lạ ở Việt Nam, chủ yếu vì còn quá ít tác phẩm hay.

Năm 2022, TikTok hợp tác với Liên hoan phim Cannes cho ra một hạng mục giải thưởng phụ mới dành cho phim dọc. 70.000 phim ngắn đã nộp tham dự từ 40 nước.

Còn ở Việt Nam, vừa qua nền tảng này tổ chức liên hoan phim riêng, trong đó có cuộc thi phim ngắn với khung hình dọc, mời các đạo diễn, nhà sản xuất phim nổi tiếng nhất thị trường điện ảnh Việt Nam làm giám khảo.

Điện ảnh trong khung hình 9:16

Kích thước phim phổ biến tại rạp hiện nay là tỉ lệ 16:9. Còn video dọc, phim dọc thường có tỉ lệ 9:16. Chỉ đơn giản là đảo ngược con số nhưng trải nghiệm xem hoàn toàn khác biệt.

Denis Đặng là nghệ sĩ Việt sớm bắt tay vào sản xuất phim dọc. Anh đã ra mắt hai phim dọc là Con cưng (phim đơn) và The Last Goodbye (phim chuỗi) trên TikTok, YouTube. Phim đầu tư về bối cảnh hơn các video dọc thông thường.

"Phim kiểu này... kỳ cục quá! Khung hình hẹp, hầu như chỉ thấy mỗi mặt diễn viên. Có rất ít cảnh hai diễn viên cùng xuất hiện trong một khung hình. Việc không thấy rõ bối cảnh như thế nào cũng khiến người xem khó cảm nhận câu chuyện hơn" - một nữ khán giả nói với Tuổi Trẻ khi xem phim dọc trên màn hình lớn.

Nhưng cảm nhận về phim dọc còn phụ thuộc vào độ tuổi và gu sử dụng mạng xã hội của khán giả. Các khán giả trẻ, đặc biệt là Gen Z trở về sau, đều đã quen thuộc với video kích thước 9:16 qua YouTube Shorts, reel của Facebook và Instagram nên dễ tiếp nhận phim dọc hơn.

"Trong một thập niên qua, người ta ngày càng quen xem video trên điện thoại, quay video bằng điện thoại. Thế hệ trẻ ngày càng ưa chuộng video dọc. Trong tương lai, tôi tin rằng họ sẽ xem phim điện ảnh dọc tại rạp" - kênh Sozo Bear Film nhận định trong video "Tại sao phim dọc sẽ là tương lai của điện ảnh?".

Phim ngắn khung hình dọc có phải tương lai điện ảnh? - Ảnh 2.

Denis Đặng - Ảnh: ĐPCC

Phim dọc, mọi thứ phải dọc

Vì sao nữ khán giả nói trên cảm thấy "kỳ cục" khi xem phim dọc? Lý do chính là một số hành động, cách di chuyển của nhân vật vẫn theo chiều ngang thay vì theo chiều dọc, dẫn đến khung hình trông chật hẹp. 

Sozo Bear Film dẫn ra một số phim dọc tốt để cho thấy: khi làm phim theo chiều dọc, các hành động của nhân vật cũng nên diễn ra theo chiều dọc.

Damien Chazelle, đạo diễn từng giành Giải Oscar với La La Land, từng làm các phim dọc chuẩn mực khi thực hiện quảng cáo cho iPhone. Anh quay các không gian, hành động nhấn mạnh vào chiều dọc: dọc theo cao ốc, đuổi bắt dọc cầu thang, nhân vật rơi từ trên tầng thượng cao ốc xuống... 

Trong cảnh hai cao bồi đấu súng, anh quay từ góc nhìn dọc giữa hai chân của một nhân vật. Nhưng đó vẫn là các phim quảng cáo ngắn. Câu hỏi đặt ra là: phim dọc có đúng là tương lai của điện ảnh, chẳng lẽ chúng ta sẽ xem phim dọc tại rạp có màn hình ngang hay sao?

Có một ý kiến trái chiều khá hay: "Sử dụng mạng xã hội không phải là cách chúng ta trải nghiệm phim rạp truyền thống. Chúng ta di chuyển theo chiều ngang chứ không theo chiều dọc. 

Bạn có thể quay một số hình ảnh dọc rất thông minh như trong quảng cáo iPhone (của Damien Chazelle) nhưng đó không phải định dạng bền vững để kể một câu chuyện điện ảnh".

Nhưng với khả năng sáng tạo của các nhà làm phim, chắc hẳn trong tương lai sẽ có những phim dọc với nội dung vượt trội, nâng loại hình này lên một tầm vóc mới.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn